Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Công trình cao tầng phải dùng ít nhất 30% vật liệu xây dựng không nung


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Công trình cao tầng phải dùng ít nhất 30% vật liệu xây dựng không nung
Cần chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
Theo đó, các bộ ngành, địa phương khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng không nung, kể cả các sản phẩm tấm tường thạch cao và tấm 3D.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung theo hướng các công trình sử dụng vốn nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học bắt buộc phải sử dụng  vật liệu xây dựng không nung.

Đặc biệt, các công trình xây dựng nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn phải ưu tiên và phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung tối thiểu là 30% trong tổng số vật liệu xây dựng.
Theo VnEconomy

Công nghệ sản xuất bêtông macca bằng cát và nước biển


CafeLand - Công nghệ sản xuất bêtông macca bằng cát và nước biển có nhiều ưu điểm và chi phí sản xuất thấp so với công nghệ truyền thống.

Bêtông macca có cường độ nén, độ hút nước, độ mài mòn đều đạt tỉ lệ cho phép và có thể áp dụng cho các công trình dân dụng. Công nghệ này sẽ giảm rất nhiều chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng với giá thành sản xuất chỉ bằng 1/3 so với công nghệ truyền thống.
Khi được đưa vào ứng dụng trong thực tế, việc sản xuất bêtông từ cát và nước biển không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có thể áp dụng cho hệ thống các công trình xây dựng kè chắn sóng, đường đi, nhà tránh bão,…
Được biết, công nghệ sản xuất bêtông bằng cát và nước biển được nghiên cứu bởi Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thạch Anh.
Thanh Trúc (Theo Chính phủ Portal)

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Hết thời nghề “cò đất”


Sau khi đặt bút ký vào hợp đồng mua bán đất, anh H. mới biết có đến bốn “cò đất” cùng chia số tiền 22 triệu đồng - khoản phí dịch vụ môi giới - trong đó có cả giám đốc công ty kinh doanh địa ốc...

Sẻ chia “tiền cò”
Gần 15 năm làm việc trong ngành du lịch ở đất Sài Gòn, anh H. (quê Daklak) cũng dành dụm được chút vốn liếng. Nhưng do giá nhà đất ở đây quá cao nên anh vẫn chưa thể tìm được một chốn an cư như từng ao ước. Giờ đây, thị trường bất động sản đã đóng băng, theo anh H., giá nhà đất đã “vượt qua con dốc cao nhất”, nên anh bắt đầu tìm kiếm để sở hữu “mảng trời mơ ước” cho mình.
Sau khoảng hai tháng đọc các mẩu quảng cáo trên báo, trên mạng, các tờ rơi (cò đất phát khắp các ngã tư đường phố), giới thiệu của bạn bè... Cuối cùng anh H. thấy ưng ý lô đất sít soát 100 mét vuông trong khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. Và, suốt thời gian tìm hiểu về lô đất, trong vòng khoảng một tuần, có đến gần chục “cò đất” tiếp cận và báo giá lô đất trên với H. với nhiều mức khác nhau.
H. kể: “Nhiều lúc mình đang đứng tại lô đất nói chuyện với ông “cò” này thì bà “cò” kia điện thoại cho biết bà đang chạy tới...”. Các “cò đất” liên tục thay đổi giá bán (lúc lên, lúc xuống) khiến anh H. rối bời, khó hiểu. Nhưng rồi, vì chỉ có một người muốn mua nên một số “cò” đã bắt tay nhau báo giá thấp nhất mà người bán muốn bán; đồng thời làm cầu nối cho anh H. và người bán gặp nhau thương lượng trực tiếp.
Buổi thương lượng có người bán, người mua và xung quanh là một “bầy cò”. Người bán muốn bán giá 26,2 triệu đồng/mét vuông nhưng người mua chỉ đồng ý mua với giá 26 triệu đồng/mét vuông. Các “cò” cố gắng hết sức “nói dzô” để hợp đồng được ký kết, nhưng không bên nào nhượng bộ. Cuối cùng “cò” Hoàng (Công ty Đất X.) hội ý với các “cò” khác rồi nói: “Số tiền chênh lệch 200.000 đồng/mét vuông của 100 mét vuông là 20 triệu, bên bán chịu 5 triệu, bên mua chịu 5 triệu, còn 10 triệu sẽ trừ vào tiền môi giới - chúng tôi chịu”.
Sau khi hợp đồng ký kết, “cò” Dũng, giám đốc một công ty địa ốc tại Thạnh Mỹ Lợi, một trong bốn “cò” được chi tiền môi giới trong thương vụ của anh H., nói: “Bây giờ tìm người mua đất khó lắm, nên nhiều khi để người mua và người bán ký hợp đồng, ngoài việc bắt tay nhau, các “cò” phải hy sinh một khoản tiền môi giới mà mình được hưởng”. “Cò” Dũng cho biết, công ty của ông trước đây làm ăn phát đạt nhờ mua bán đất nhưng nay chỉ còn lại dịch vụ môi giới. Dù vậy, công ty cũng rất khó khăn vì có tháng không môi giới được một hợp đồng mua bán nhà đất nào. Giờ công ty chỉ còn lại mỗi mình ông, vừa là giám đốc, vừa là nhân viên... sống chờ qua cơn bĩ cực.
Có thể nói, đất ở quận 2, nhất là khu vực Thạnh Mỹ Lợi được cho là “điểm nóng” sau khi hầm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, theo ông Dũng, hiện rất hiếm người đến đây tìm mua. Trong khi mấy năm trước, người ta đổ xô về đây mua đất đến mức giá đất ở bờ bên kia sông Đồng Nai - Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch - cũng nhảy múa theo giá đất quận 2. Nhưng nay giới “cò đất” ở quận 2 “chết” thì “cò đất” bên kia sông Đồng Nai “sống sao nổi”.
“Cò” vùng ven đuối sức
Phạm Văn N., một “cò đất” có tiếng ở Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, cho biết mấy tháng nay anh không môi giới được một vụ mua bán đất nào. Hiện công việc chính của anh là lo thủ tục, giấy tờ cho những người (ở TPHCM) trước đây mua đất tại địa phương giờ bị thu hồi vì các dự án. “Công việc này chẳng vui vẻ gì nhưng không làm thì biết làm gì!”, anh N. nói.
Theo anh N. rất nhiều “cò đất” ở khu vực Nhơn Trạch giờ có người chạy xe ôm, người thu mua phế liệu, người cờ bạc... sống qua ngày chờ thị trường chuyển biến.
Một trong những dãy phố không một bóng người ở khu đô thị Mỹ Phước 3, tình Bình Dương. Ảnh: Quang Chung.
Còn nhớ, lúc thị trường bất động sản ấm áp, đất ở Long Hậu, Cần Giuộc, Long An (giáp khu đô thị Hiệp Phước, TPHCM) thuộc diện... bán chạy như tôm tươi. Nhưng giờ, ông Mười, công an xã Long Hậu kiêm nghề “cò đất”, cho biết giá các lô đất tái định cư tại đây không tăng, thậm chí giảm nhưng vẫn không kiếm được người mua. Vì vậy “nghề “cò đất” ở đây bây giờ sống không nổi nữa!”, ông Mười than.
Mới đây, trong chuyến đi tìm hiểu thị trường nhà đất khu vực Mỹ Phước và quanh khu thành phố mới Bình Dương chúng tôi chứng kiến nhiều khu đô thị “ma”, đô thị “chết”, không có người ở. Thế nhưng, ông Đ., nhân viên một sàn giao dịch bất động sản của Becamex Bình Dương, cho biết thị trường có chựng lại nhưng những người có nhu cầu thật sự về nhà ở vẫn tìm mua. Theo ông này, sàn giao dịch bất động sản của công ty vẫn lai rai bán được hàng...
Trong khi ông Thắng, một “cò đất” ở khu vực Mỹ Phước, cho biết nghề “cò đất” đang rất khó sống. Bây giờ mà tìm được người mua đất như vớ được phao cứu sinh - có tiền sống qua ngày - vì đất nằm trong các dự án thì phần lớn người ta mua bán qua sàn giao dịch. Ông nhớ lại, thời những năm 2006-2007, người đi mua đất đông như đi du lịch. Các hàng nước vỉa hè là “sàn giao dịch”, nhiều người ký hợp đồng tiền tỉ mà nhẹ như không... “Thời đó cò như chúng tôi sống khỏe”, ông Thắng nói.
Thật vậy, khi đó khu đô thị biệt thự Cocoland ở Mỹ Phước với 270 căn được bán hết trong một buổi sáng. Mới đây, chúng tôi quay lại khu đô thị này chỉ thấy lèo tèo vài gia đình sinh sống; còn hầu hết biệt thự ở đây đều đóng cửa, ố màu. Hỏi anh bạn làm ở Becamex giá các căn biệt thự này hiện nay có thay đổi, anh nói: “Có người rao bán lại còn rẻ hơn giá khi họ mua”. Khi đó, giá bán một biệt thự ở khu này (350 mét vuông đất) từ 2,5-3 tỉ đồng.
Các “cò đất” ở khu vực Mỹ Phước cho biết có rất nhiều căn nhà liên kế tại đây (diện tích đất 100 mét vuông, một trệt, hai lầu và sân thượng) đang được rao bán với giá 800 triệu đồng, trả trước 195 triệu đồng (vào ở ngay), số tiền còn lại trả chậm trong vòng năm năm không tính lãi... Giá này được cho là khá rẻ vì tiền xây dựng cũng đã tốn chừng đó tiền thế nhưng vẫn không thể tìm được người mua. Có người bán mà không có người mua coi như nghề “cò đất” hết đất sống.
Giới “cò đất” đang hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách vĩ mô để thị trường nhà đất sôi động trở lại, nhưng dù vậy thì đất sống của “cò đất” cũng sẽ bị thu hẹp khi hiện tại đã có khá nhiều trung tâm giao dịch bất động sản hình thành.
Theo TBKTSG

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Tranh cãi thả nổi giá điện vẫn chưa ngã ngũ


Liên Bộ Tài chính - Công Thương thống nhất, giá điện các khâu truyền tải, phân phối, bán buôn... cần Nhà nước can thiệp, còn Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nên thả nổi từng mức gia cụ thể theo thị trường.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ quốc hội chiều 20/4, chỉ có 30 phút cuối cùng để bàn về Luật giá song các đại biểu đã thảo luận gay gắt về việc thả nổi giá điện. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để bảo đảm điện thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước thì chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với giá “điện bán lẻ bình quân”. Còn mức giá cụ thể do doanh nghiệp tự điều chỉnh. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước cũng kiểm soát giá điện bán lẻ", ông Hiển nhấn mạnh.

Ảnh: Nguyễn Hưng
"Nên đưa giá bán lẻ bình quân vào diện bình ổn còn tất cả các giá còn lại thì theo cơ chế thị trường". Ảnh: Nguyễn Hưng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến, Bộ Tài chính- Công Thương đã thống nhất, không để giá điện bình quân mà chia thành giá cụ thể và giá khung. Trong đó, Nhà nước quy định mức giá cụ thể như truyền tải, phân phối, bán buôn, giá dịch vụ cung cấp điện. Đối với phát điện, khung giá cũng do Nhà nước quy định để tránh hiện tượng đẩy giá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Phùng Quốc Hiển bác lại, tinh thần của Ủy ban Thường vụ là nên đưa giá bán lẻ bình quân vào diện bình ổn, còn tất cả các giá khác theo cơ chế thị trường. "Tôi cho rằng, ý kiến của anh Huệ sẽ là một bước lùi", ông Hiển thẳng thắn.
Trước ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Bộ trưởng Huệ phân trần, quan điểm của Bộ Tài chính hoàn toàn đồng ý với Thường vụ Quốc hội. Đây là vấn đề mới phát sinh ngày hôm qua. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã gọi điện yêu cầu hai bên thống nhất lại.
"Xét về chuyên môn, Bộ Công Thương thạo về giá điện hơn. Bộ Công Thương cho rằng nếu để giá điện bình quân thuộc diện bình ổn thì sẽ rất khó thực hiện thị trường điện cạnh tranh sắp tới", ông Huệ giải thích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ, Nhà nước đang khuyến khích thị trường điện phát triển. Ngoài ra, các nhà máy điện không độc quyền nhưng giá bán điện thì Nhà nước phải can thiệp. Bởi bản thân Bộ Tài chính không thể định được hết các loại giá. "Bộ chỉ có thể kiểm soát rồi trình Thủ tướng ban hành giá điện chung là giá bán lẻ, thay vì định giá ở từng khâu từng khúc", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, về sau, khi phát triển thị trường điện cạnh tranh thì tải điện sẽ không còn độc quyền. "Anh tải giỏi thì anh được cấp để làm lợi cho người tiêu dùng", ông Hùng nói.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, giá bán lẻ bình quân phải được tính theo lộ trình tính đúng, tính đủ các loại phí. Luật Điện lực cần phải nghiên cứu xem xét thêm để đủ điều kiện báo cáo với Quốc hội. Thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý khi dự thảo luật có tới 8-9 mức phí và giá. Điều này, bà Ngân nhấn mạnh, không thuyết phục và mang lại cảm giác có quá nhiều thứ chồng chéo khiến giá điện bị đội lên.
"Các bên phải ngồi lại để xem xét tìm hướng giải quyết sau đó gửi lên Thường vụ Quốc hội, nếu thống nhất được sẽ trình hồ sơ lên Quốc hội xem xét", bà Ngân nói.
Hoàng Lan
Vnexpress

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Gạch bán dẻo: Vật liệu mới trong xây dựng


CafeLand - Sắp tới đây, sản phẩm gạch bán dẻo sẽ chính thức có mặt trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.

Gạch bán dẻo: Vật liệu mới trong xây dựng
Gạch bán dẻo có nhiều ưu điểm. Nguồn: Internet.
Gạch bán dẻo được sản xuất từ các nguyên liệu gồm: Chất thải rắn, phế thải vật liệu xây dựng, xỉ lò cao nhiệt điện và đất đồi.
Về công nghệ sản xuất sản phẩm này có nhiều ưu điểm như: Không phụ thuộc vào thời tiết như công nghệ truyền thống, tiết kiệm năng lượng, tăng sản lượng và tiết kiệm chi phí xây dựng. Đồng thời, tăng mức độ cơ khí hóa và tự động hóa trong sản xuất gạch mộc nâng độ ẩm bán dẻo w = 13-16% và tiêu hao lao động chỉ bằng 30-35% so với sản xuất theo phương pháp cũ.
Vì thế, gạch bán dẻo có cường độ nén và uốn cao hơn từ 2- 3 lần so với gạch sản xuất từ công nghệ truyền thống.
Được biết, sản phẩm này do Tập đoàn Thạch Bàn sản xuất.
Thanh Trúc

Thị trường BĐS khó khăn, giá vật liệu giảm sâu


Thị trường BĐS khó khăn, giá vật liệu giảm sâu

Thị trường BĐS ảm đạm kéo dài, nhiều dự án BĐS không triển khai theo đúng kế hoạch, cộng với việc thắt chặt chi tiêu của các hộ gia đình khiến thị trường vật liệu xây dựng (VLXD), nhất là đồ nội thất gặp khó trong việc bán hàng. Vì vậy, nhiều mặt hàng VLXD đang có xu hướng giảm giá mạnh trong năm nay.
Thị trường BĐS khó khăn, giá vật liệu giảm sâu
 Theo khảo sát của ĐTCK, tại Hội chợ triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2012 đang diễn ra, hầu hết các DN kinh doanh VLXD tham gia triển lãm đều đưa ra chính sách bán hàng giảm giá, khuyến mãi, ngoại trừ một số sản phẩm thiết bị vệ sinh, phòng tắm như Linax, Viglacera vẫn giữ nguyên đơn giá so với năm 2011. Trong đó, các sản phẩm như gạch ngói xây dựng và ván sàn gỗ có sự giảm giá đáng kể.

Anh Tạ Quang Hóa, cán bộ kinh doanh CTCP Thạch Bàn Đan Phượng, đơn vị chuyên sản xuất gạch ngói xây dựng cho biết, do thị trường BĐS đóng băng, lĩnh vực xây dựng cũng không có nhiều hoạt động nên sản phẩm gạch ngói trên thị trường tiêu thụ rất chậm và có xu hướng giảm giá. Các sản phẩm gạch ngói của Thạch Bàn Đan Phượng, giá bán ra trong năm 2012 đã giảm khoảng trên 10% so với mức giá bán năm 2011. Không chỉ giảm giá, Công ty còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi chiết khấu hấp dẫn cho những khách hàng mua sản phẩm với số lượng lớn và có phương thức thanh toán hợp lý.

Tại Vietbuild 2012, các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm ván sàn công nghiệp đã thu hút sự chú ý của khách hàng, vì số lượng doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tham gia khá đông đảo, sản phẩm phong phú và chính sách giảm giá hấp dẫn.

Công ty Phú Mỹ Hưng, DN chuyên kinh doanh sàn gỗ thương hiệu Kahn cho biết, sản phẩm sàn gỗ hiện tiêu thụ rất chậm trên thị trường. Vì thế, khi tham gia hội chợ triển lãm, ngoài việc trưng bày sản phẩm và làm thương hiệu, Phú Mỹ Hưng cũng áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá đến 18% nhằm tăng doanh số bán hàng. Sau khi chương trình kết thúc, những khách hàng mua sàn gỗ của Công ty Phú Mỹ Hưng vẫn có khả năng được hưởng mức chiết khấu này. Tương tự, Công ty TNHH INOVAR (Việt Nam) cũng giảm giá bán hàng từ 10 - 15% cho các sản phẩm sàn gỗ ngay cả khi kết thúc Hội chợ.

Tuy không áp dụng chính sách khuyến mại giảm giá với các mặt hàng thiết bị vệ sinh nhưng Viglacera cho biết, Công ty cũng có chính sách bán hàng khá cạnh tranh, khi thực hiện chiết khấu với tỷ lệ nhất định cho các khách hàng mua sản phẩm với số lượng lớn.
Không ít DN tham gia Hội chợ còn coi đây là một dịp quảng bá cho các chương trình bán hàng giảm giá, ưu đãi khách hàng trong năm 2012. Điều này chứng tỏ việc thị trường BĐS và lĩnh vực xây dựng khó khăn đã có tác động mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh VLXD. Việc giảm giá, khuyến mãi bán hàng diễn ra tại Hội trợ triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2012 dường như là một tín hiệu về việc thị trường VLXD sẽ xác lập một mặt bằng giá mới, thấp hơn rất nhiều mức giá trong năm 2011.
Theo ĐTCK